Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Quả sung

11 ích lợi từ quả sung mà có thể bạn chưa biết


Có nhân nào đã từng ăn những quả sung chan chát chưa? Những quả sung nếp hay sung tẻ ý?
Những quả sung tuy dân dã, nhỏ bé là vậy nhưng lại có rất nhiều lợi ích sức khỏe với chúng mình và người thân đấy!

1. Ngăn ngừa táo bón: Thường thì trong 3g sung có tới 5 gam chất xơ đấy. Do đó sung giúp các chức năng của ruột khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón.

2. Giảm trọng lượng cơ thể: Các chất xơ trong quả sung còn giúp giảm trọng lượng và nó là loại quả thường được khuyến khích cho những người béo phì.

3. Tăng cường và phát triển xương: Sung rất giàu canxi. Những canxi này lại giúp củng cố hệ xương phát triển vùn vụt...

4. Cải thiện tầm nhìn: Nếu như mắt bạn thường xuyên mệt mỏi và thị lực giảm sút, bạn hãy ăn quả sung để tránh tình trạng này nhé.

5. Giảm đau họng: Sung có chứa nhiều nhựa, giúp chữa bệnh và bảo vệ viêm họng.

6. Bảo vệ chống lại bệnh ung thư vú: Những chất xơ có trong quả sung còn bảo vệ hữu hiệu bệnh ung thư vú ở các XX.

7. Hạ cholesterol: Những quả sung có chứa Pectin - một chất xơ hòa tan. Khi chất xơ này đi qua hệ tiêu hóa, nó sẽ giúp hạ cholesterol trong máu.

8. Ngăn ngừa ung thư ruột kết: Sự hiện diện của chất xơ trong trái sung cũng giúp hạn chế sự phát tác của các chất gây ung thư.

9. Phòng chống tiểu đường: Sung và lá sung rất giàu kali. Kali giúp kiểm soát lượng đường trong máu và có đặc tính chống lại bệnh tiểu đường.

10. Phòng chống tăng huyết áp: Quá nhiều natri cao, có thể dẫn đến tăng huyết áp cho cơ thể. Song quả sung lại có nhiều chất kali nhưng ít natri. Vì vậy, nó giúp tránh tăng huyết áp.

11. Ngăn ngừa bệnh tim mạch vành: Trong quả sung khô có chứa phenol, Omega-3 và Omega-6. Những axit béo làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch vành.

Trái cóc

Giá trị dinh dưỡng của TRÁI CÓC (Ambarella)
Dược sĩ Trần Việt Hưng

Trái Cóc là một trái cây nhiệt đới rất được lứa tuổi học trò ưa chuộng cùng với ổi, xoài tượng. Với giới thích nhậu thì cóc chua cùng muối ớt sẽ giúp "đưa cay" vài ba xị đế! Cóc hiện đang nghiên cứu trồng tại Florida (Hoa Kỳ) và hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới trái Cóc sẽ được cung cấp dồi dào tại những nơi tập trung của Cộng đồng Việt Nam..
Cây cóc được xem là có nguồn gốc tại vùng Melanesia- Polynesia và sau đó được đến trồng tãi các vùng nhiệt đới của cả Cựu lẫn Tân Thế giới. Cây khá phổ biến tại Mã lai (cây trồng trong vườn), Ấn độ, Tích Lan.. Quả cóc được bán khắp các chợ Việt nam. Cây được nhập vào Philippines từ 1915, sau đó trồng tại Queensland (Úc)
Cây được đưa đến Jamaica vào 1782, và 10 năm sau Thuyền trượng Bligh đã đứ thêm vào đây một giống Cóc khác, gốc từ Hawaii. Cây cóc cũng được trồng tại Cuba, Haiti, Cộng hòa Dominican, nhiều nước Trung Mỹ, Venezuela.
Bộ Canh nông Hoa Kỳ đã nhập hạt giống Cóc từ Liberia vào năm 1909 (tuy nhiên, theo Wester thì cóc đã được trồng tại Miami (Florida) từ 4 năm trước đó). Năm 1911, một số hạt giống khác đã được gửi từ Queensland (Úc) sang Washington. Hiện nay cây cóc đang được trồng và phát triển tại Florida.
Tên khoa học và các tên gọi khác:
Spondias dulcis (hay Spondias cytherea) thuộc họ thực vật Anacardia ceae.
Các tên gọi: Tại Anh-Mỹ: Otaheite apple, Tahitian quince, Polynesian plum, Jew plum. Pháp : Pomme cythere (cây cóc= pommier de Cythère). Đức: Cytherea, Tahiti-Apfel; Tây ban Nha: Cirnela dulce; Thái Lan: makok-farang ; Cambodia: mokak.
Spondias là tên do Theophrastus đặt cho gia đình thực vật này; Dulcis có nghĩa là vị ngọt hay dịu.Tên Ambarella là tên gọi của quả bằng tiếng Bengali.
Đặc tính thực vật:
Cây cóc thuộc loại cây thân mộc, lớn, mọc nhanh, cao 8-18 m (tại Mỹ châu) thường trung bình 9-12 m, phân nhánh nhiều cành dễ gẫy. Lá kép, lẻ, to, dài 20-60 cm, mọc ở ngọn nhánh; lá mang 7-12 đôi lá chét dài 6.25-10 cm, hình thuôn tròn; mép lá có răng cưa. Vào đầu mua khô, lá cây chuyển đổi sang màu vàng tươi, rụng. Hoa mọc thành chùy to, có thể dài đến 30 cm, chùy mang ít hoa thường thòng xuống. Hoa nhỏ, màu trắng, có 10 nhị. Quả thuộc loại quả hạch, hình trứng hay hình bầu dục, dài 6-8 cm, rộng 4-5 cm, da ngoài vàng-cam; thịt màu vàng-xanh nhạt, dòn, vị chua; Quả mọc thành chùm từ 2-12 quả , thòng xuống. Hạch khá lớn hình bầu dục có nhiều gai dạng sợi dính chặt với thịt, có 5,6 ô cách nhau không đều.
Ngoài ra còn có loại Cóc chua hay Cóc rừng (Spondias pinnata) (tên Anh là Hog plum), thuộc loại tiểu mộc, rụng lá vào mùa khô. Lá kép, lẻ dài 30-40 cm, có 2-5 đôi lá chét quăn, hình bầu dục, mép lá nguyên. Hoa mọc thành chùy rộng, lớn hơn lá, có nhánh dài 10-15 cm. Hoa vàng nhạt. Quả hạch hình trứng màu vàng lớn 5 cm x 3 cm. Quả có vị chua và mùi dầu thông.
Giá trị dinh dưỡng:
100 gram  quả phần ăn được chứa :
- Calories                                      157
- Chất đạm                                    0.5-08 g
- Chất béo                                     0.28- 1.79 g
- Chất carbohydrate                      1.2-9.5 g
      (Chất sơ=fiber) : 1.1-8.4g
- Calcium                                      0.42 g
- Sắt                                             0.02 g
- Magnesium                                 0.2 g
- Phosphorus                                0.51 g
- Potassium                                   2 g
- Kẽm                                          1.9 mg
- Beta-Carotene                           16 mg
- Niacin                                        105 mg
- Riboflavine                                  1.5 mg
- Vitamin C                                    42 mg

Về phương diện dinh dưỡng quả Cóc thường được đánh giá là kém hơn Xoài, tuy nhiên nếu để quả chín đúng độ thì vị khá ngon. Quả xanh (lúc còn cứng) có vị hơi chua, dòn, nhiều nước và khá thơm thoảng mùi của dứa, nhưng nếu để mềm thì thành hơi nhão và khó cắt. Quả xanh có thể chế tạo thành sauce, ngâm giấm. Nấu với chút đường rồi ép qua rây, cóc có thể so sánh với applesauce, nhưng thơm hơn. Lá non có vị hơi chua được dùng làm salad tại indonesia, lá đước hấp chín làm rau ăn với cá khô.
Tại Trinidad và Tobago (West Indies), các nhà sản xuất thực phẩm đã dùng nước ép từ quả Cóc pha trộn trong một loại yoghurts (từ sữa bò). Loại ya-ua này được đánh giá về hương vị, khẩu vị khá cao và được xem là một nguồn cung cấp rất tốt về phosphorus và chất đạm.
Thành phần hóa học:
Ngoài thành phần dinh dưỡng trên, một số bộ phận khác còn chứa:
Chất nhựa như keo trong màu vàng chứa những đường hữu cơ như D-galactose, D-xylose, L-arabinose, L-fucose, L-rhamnose ; và còn có mono-methyl-glucuronic acid.
Hạt chứa nhiều khoáng chất như Calcium, Magnesium, Phosphorus, Potassium, Sulfur.
Pectin trong Vỏ trái Cóc:
Nghiên cứu tại ĐH Cameroun, phối hợp với Trung Tâm Nghiên cứu Nantes (Pháp) phân chất vỏ của quả cóc (thường bị vất bỏ) ghi nhận Vỏ cóc chứa 9-30% pectin, uronic acid (557-727 mg/g trọng lượng khô), đường trung tính 9125-158 mg/g. Sản lượng pectin cao nhất khi trích bằng dung dịch oxalic acid/ ammonium oxalate, đồng thời pectin lấy được có trọng khối cao, độ methyl hóa tốt nên có thể dùng trong công nghiệp thực phẩm. Pectin trích từ vỏ Cóc có thể so sánh với pectin trích từ chanh xanh (Food Chemistry Số 3, Bộ 106-2008).
Một nghiên cứu khác thực hiện tại ĐH Universidade Federal do Parana, Curitiba (Ba Tây) ghi nhận lượng Carbohydrate tổng cộng trong quả Cóc lên đến 41%. Polysaccharides chiết được bằng nước nóng cho thấy có cấu trúc loại I rhamnogalacturonan với các dây nhánh arabinogalactan. Dịch chiết này có hoạt tính kích khởi sự hoạt động của thực bào nơi màng phúc toan (Fitoterapia Số 76, tháng 12/ 2005).
Nhựa (Gôm của quả Cóc):
Các phân chất về thành phần chất nhựa (gôm) màu nâu nhạt trong trái Cóc tại ĐH La Universidad del Zulia (Venezuela) cho thấy hợp chất polysaccharide trong gôm chứa galactose, arabinose, mannose, rhamnose, glucuronic acid và chất chuyển hóa loại 4-O-methyl. (Carbohydrate Research Số 28-2003)
Vài phương thức sử dụng:
Tại nhiều nơi trên thế giới, Cóc còn được dùng làm thuốc chữa bệnh:
Tại Kampuchea: Vỏ của cây dùng phối hợp với vỏ Chiêu liêu, mỗi thứ 4 mảnh nhỏ, cỡ ngón tay cái, sắc chung trong 2 lit nước, đến còn 0.5 lít, uống để trị tiêu chảy (chia làm 3 lần).
Tại Ấn độ, Cóc chua (Spondias pinnata) được gọi là ambra, jangli am Vỏ cây dùng trị đau bao tử, kiết lỵ; hay nghiền nát trộn nước đắp trị đau khớp xương, và thấp khớp; Quả dùng trị yếu tiêu hóa do mật; Nước sắc từ lá dùng trị xuất huyết. Rễ dùng điều hòa kinh nguyệt.
Tài liệu sử dụng:
Medicinal Plants of india (SK Jain & Robert DeFilipps)
Whole Foods Companion (Dianne Onstad)
Fruit : A Connoisseur's Guide and Cookbook (Alan Davidson)
Fruits of Warm Climates (Julia Morton)
DS Trần Việt Hưng

Trái Cóc (Spondias dulcis),
Trái Cóc cắt làm đôi, Hột trong trái Cóc
(Nguồn: Wikipedia) 

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Quả na

Những bài thuốc hay từ quả na

Thịt quả na mềm, thơm, ngọt và rất nhiều dinh dưỡng. Theo nghiên cứu hiện đại, trong quả na có 72% glucose, 1,73% tinh bột, 2,7% protid và vitamin C...

Lá na chứa 0,08% tinh dầu. Hạt chứa 40% tinh dầu, trong đó các axít béo chiếm tỷ lệ lớn. Vỏ và rễ chứa axít hydrocyanic...
 
Theo Đông y, na có vị ngọt, hơi chua, tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đờm, chữa lỵ... Quả na chín được dùng với tác dụng bổ dưỡng, rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau khi sinh.
 
Quả na điếc (quả na đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, khô xác, có màu nâu đỏ tím) dùng trị mụn nhọt ở vú, chữa ho, viêm họng...
 
Ngoài ra, trong dân gian còn dùng hạt na để diệt côn trùng, trừ chấy rận. Lá na dùng trị sốt rét cơn lâu ngày, bong gân. Rễ và vỏ cây dùng tẩy giun...
 
Chữa ho, viêm họng
 
Quả na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g. Tất cả phơi khô, (riêng quả na điếc đốt tồn tính), giã nhỏ, tán bột, rây mịn, rồi trộn với 150g đường kính đã nấu thành sirô để làm viên, mỗi viên 0,5g. Người lớn ngày 6-8 viên, chia làm 2 lần; trẻ em tùy tuổi 3-6 viên. Dùng 3-5 ngày.
 
Chữa sốt rét
 
Quả na điếc 40g, giun đất loại khoang cổ 80g, phèn phi 20g. Quả na đập vỡ vụn, tẩm rượu, sao vàng. Giun đất lộn trái, rửa sạch, tẩy bằng rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ trộn đều với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống hai lần, mỗi lần 10 viên.
 
Hoặc lá na (20-30g), giã nhỏ, chế thêm nước sôi vào vắt lấy một bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sáng hôm sau thêm ít rượu quấy uống trước lúc lên cơn hai giờ. Mỗi ngày uống một lần, uống liền 5-7 ngày.
 
Mụn nhọt ở vú
 
Quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, hòa với giấm, đắp lên chỗ vú bị sưng, bôi nhiều lần trong ngày.
 
Trừ chấy, rận
 
Giã nhỏ hạt na trộn với rượu hoặc giấm để vò đầu, xát vào chân tóc, sau đó bịt khăn lại, ủ trong 15 phút rồi gội đầu để trừ chấy. (Lưu ý: khi gội đầu không để nước hạt na bắn vào mắt). Hoặc hạt na đem giã nhỏ lấy nước ngâm quần áo để diệt rận.
 
Mụn nhọt sưng tấy
 
Lá na, lá bồ công anh, đem giã nát đắp lên vùng có mụn nhọt. Ngày đắp 3 lần.
 
Chữa bong gân
 
Lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, muối ăn 5g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.
 
Tẩy giun đũa
 
Rễ na 30 - 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua đem sắc với 300ml nước còn 100ml, uống vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.
 
Theo Sức khỏe & Đời sốn

Quả lựu

6 tác dụng bất ngờ của quả lựu

Ít ai biết trong quả lựu chứa chất có thể cải thiện được khả năng cương dương đối với nam giới. Bên cạnh đó, lựu còn có rất nhiều tác dụng khác nữa.
 
1. Cải thiện sức khỏe của tim
David Grotto tác giả cuốn “101 Foods That Could Save Your Life” và cuốn sách sắp ra mắt “101 Optimal Life Foods’, cho biết: “Một số nghiên cứu trên người và động vật đã chỉ ra rằng lựu có khả năng giảm độ dày thành động mạch, giảm việc hình thành mảng bám, và giảm sự ôxy hóa Cholesterol xấu, vỗn là những nhân tố nguy hiểm của bệnh tim”.
“Lựu chứa nhiều polyphenol, chất hóa học thực vật nổi tiếng trong việc làm giảm quá trình sưng phù liên quan đến bệnh tim”.
Theo trang Nutrition Data, sưng phù mức độ thấp mãn tính trong cơ thể có liên quan đến nguy cơ bệnh tật, bao gồm bệnh tim và đột quỵ. Tăng lợi ích cho động mạch của bạn bằng cách kết hợp lựu với các thành phần có lợi cho tim khác như quả hạnh và quả lê, cả hai đều chứa chất béo “tốt” và chống sưng phù..
2. Giảm huyết áp và nguy cơ đột quỵ
Grotto cho biết: "Trong một nghiên cứu ở người, những người tham gia đều bị tăng huyết áp. Họ được đưa cho uống hơn 220 gram nước lựu hàng ngày trong suốt 14 ngày. Huyết áp tâm thu trung bình giảm, dẫn đến nguy cơ đột quỵ giảm 36%”.
Hãy uống nước lựu hoặc trộn với nước khoáng xenxe hoặc cocktail. Bên cạnh đó, hãy cố gắng dùng nước lựu thay cho các loại nước khác trong một số công thức chế biến món ăn hoặc đồ uống.
 
Ảnh minh họa.
3. Chống lại ung thư tuyến tiền liệt
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước lựu hoặc chiết xuất từ lựu đều có thể cản trở sự phát triển của các tế bào ung thư và loại bỏ các tế bào ung thư.
Grotto cho biết: "Những người đàn ông trải qua quá trình điều trị ung thư tuyến tiền liệt và trung bình hấp thụ hơn 220 gram nước lựu trong hai năm đã giảm đáng kế mức tăng của lượng PSA (kháng nguyên chuyên biệt tuyến tiền liệt), một nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt".
"Polyphenol có trong lựu làm tăng apoptosis, hoặc sự ra đi lập trình sẵn của tế bào, trong các tế bào ung thư nhất định".
Để bảo vệ tuyến tiền liệt, các chuyên gia khuyên bạn nên cắt giảm thịt đỏ và các sản phẩm làm từ sữa mà chứa nhiều chất béo và nên ăn các sảm phẩm tươi mới.
 
4. Có thể giết chết vi khuẩn gây hại
Grotto đã trích dẫn một cuộc nghiên cứu mới đây trên tạp chí Molecules mà chỉ ra rằng những chiết xuất từ 6 loại lựu Thổ Nhĩ Kỳ đã có hiệu quả trong việc giết chết 7 chuỗi vi khuẩn có hại khác nhau, bao gồm chuỗi E. coli và Staphylococcus.
Mặc dù cuộc nghiên cứu được tiến hành trong phòng thí nghiệm với các chiết xuất từ lựu nhưng nó cũng gợi ý rằng việc bổ sung nước lựu và hạt lựu vào chế độ ăn uống của mình có thể giúp cơ thể bạn chống lại một số loại vi khuẩn. Lựu, cùng với vỏ nho, rượu vang đỏ, và trà, có chứa tannin, hợp chất mà “có các tính chất kháng khuẩn và chống vi trùng”.
Hãy ăn lựu với các thành phần kháng khuẩn như tỏi, hành, hạt tiêu Giamaica và oregano, mà được phát hiện là “Chất giết chết vi khuẩn tốt nhất”.
5. Cải thiện khả năng cương dương
Grotto cho biết chất polyphenol, mà được tìm thấy nhiều trong lựu, "không chỉ cải thiện sự lưu thông máu đến tim mà còn đến các bộ phận khác trên cơ thể”.
Ông cho biết trong một cuộc nghiên cứu về những người đàn ông được chẩn đoán bị rối loạn cương dương, “những người uống nước lựu trong 4 tuần thì sẽ cải thiện sự cương dương lên gấp hai lần so với những anh chàng dùng giả dược”.
Trong một số trường hợp, có vẻ như có sự liên hệ giữa huyết áp cao và rối loạn cương dương. Vì thế, thực hiện chế độ ăn uống giúp giảm huyết áp cũng đồng thời có thể giúp cải thiện chức năng cương dương.
Hiệp hội tim mạch khuyến cáo nên cắt giảm natri và ăn thực phẩm chứa nhiều kali, như khoai lang, khoai tây, nấm, đậu lima, cam và sữa chua không chất béo.
6. Có thể tăng tỉ trọng xương
Grotto đã trích dẫn một cuộc nghiên cứu trong đó những con chuột được cho ăn chiết xuất từ lựu trong hai tuần đã ít rơi vào tình trạng “mất xương” hơn đáng kể so với những con chuột khônng ăn lựu.
Cách bóc vỏ quả lựu
Bổ quả lựu ra làm tư hoặc rạch vỏ theo phần tư của quả, sau đó tách quả ra theo vết cắt hoặc vết rạch đó.
Lấy một cái bát sâu và to rồi nhẹ nhàng tách hạt vào bát bằng tay. Đồng thời tách cả ruột và vỏ ra.
Bạn cũng có thể lấy hạt bằng cách cho quả lựu ngập trong một bát nước. Ruột quả sẽ nổi lên trên, hạt quả sẽ chìm xuống dưới. Tách ruột ra rồi làm ráo hạt trong một cái chao. Mặc dù mẹo này giúp bạn ít bị bẩn hơn nhưng sẽ khiến quả lựu bị mất nhiều nước hơn.
 
Theo Afamily

Quả bơ

Tác dụng phòng bệnh của quả bơ

Trái bơ chứa gần 20 loại vitamin, muối khoáng và các chất dinh dưỡng thực vật giúp nâng cao chất lượng chế độ ăn và ngừa một số bệnh mãn tính.
 
Trái bơ được xem là một loại trái được khuyến khích ăn thường xuyên vì có lợi cho sức khỏe. Trái bơ được trồng nhiều ở các quốc gia vùng Địa Trung Hải hay ở những nơi mà nhiệt độ không bao giờ thấp hơn 50C ngay cả trong mùa đông. Ở nước ta, trái bơ cũng là loại trái cây phổ biến.
 
Tốt cho cả người già và trẻ em
Trái bơ chứa 81 microgram carotenoid lutein mà một vài nghiên cứu cho thấy có thể giúp duy trì tình trạng khỏe mạnh của mắt, vì lutein là một chất chống ôxy hóa tự nhiên giúp duy trì tình trạng khỏe mạnh của mắt khi chúng ta già đi.

Ngoài ra, khi xem trái bơ như là một phần của chế độ ăn kiêng giảm calo thì trái bơ cung cấp gần 20 loại vitamin, muối khoáng và các chất dinh dưỡng thực vật. Các chất dinh dưỡng này cũng giúp nâng cao chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn và ngừa một số bệnh mãn tính.
Trái bơ có chứa một số muối khoáng cần thiết như kali, canxi, vitamin C và K, acid folic, đồng, natri và chất xơ. Những người sống ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng nên dễ bị mất nước và muối khoáng, do đó trái bơ có thể cung cấp bổ sung các chất này cho cơ thể. Còn kali có trong trái bơ giúp điều hòa huyết áp. Bơ cũng là loại trái cây giúp cơ thể cải thiện khả năng hấp thu carotenoids.
Thịt trái bơ mịn, giống như kem làm cho nó trở thành một trong những loại thức ăn tươi đầu tiên mà trẻ em có thể thưởng thức. Trái bơ không chứa natri và cholesterol nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị khác cho tiêu thụ hằng ngày như 8% lượng folat, 4% lượng chất xơ và kali, 4% lượng vitamin E và 2% lượng sắt.

Một khẩu phần trái bơ có chứa 81 microgram carotenoid lutein và 19 microgram beta carotene; 3,5 g chất béo không bão hòa vốn rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng bình thường và phát triển hệ thần kinh trung ương.
 
Ảnh minh họa.
Ngăn ngừa bệnh tim
Phết trái bơ tươi lên bánh mì sandwich hay bánh mì nướng thay cho bơ động vật sẽ giúp giảm tiêu thụ calo, chất béo bão hòa, natri và cholesterol. Trái bơ phù hợp với khuyến cáo về chế độ ăn của Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ với nồng độ chất béo từ thấp đến trung bình.

Chất béo chủ yếu nên là chất béo không bão hòa và nên giảm tối đa chất béo bão hòa và cholesterol. Trái bơ là loại trái cây duy nhất có chứa chất béo đơn không bão hòa, đây là nguồn thay thế tốt cho các loại thức ăn giàu chất béo bão hòa.

Chỉ 1/5 trái bơ kích thước trung bình cũng có chứa 50 calo và cung cấp gần 20 loại vitamin và muối khoáng. Acid oleic có trong trái bơ có thể được sử dụng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu và trái bơ cũng giúp duy trì nồng độ cholesterol hợp lý, do đó giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch liên quan đến cholesterol.
Ngoài ra, trong trái bơ có chứa nhiều chất chống ôxy hóa tốt nên có thể sử dụng trong điều trị các rối loạn về da hay sử dụng trong điều trị bệnh nhân bị các bệnh lý tuần hoàn và tiêu hóa. Đặc biệt, trái bơ có thể giúp những người có vấn đề trục trặc về tình dục.
 

Quả hồng

Tác dụng chữa bệnh của quả hồng

Hồng là một loại quả được rất nhiều người ưa thích. Ở Trung Quốc, hồng được gọi là "thức ăn của thượng đế" vì họ cho rằng các đấng thần linh cổ xưa thử quả hồng đầu tiên.

 
Còn đối với người Nhật, loại quả này có ý nghĩa là chiến thắng. Không phải ngẫu nhiên mà hồng có được sự tôn trọng như vậy, bởi vì ngoài mùi vị tuyệt vời, hồng còn có nhiều loại vitamine bổ ích, rất cần cho cơ thể.
 
Ảnh minh họa.
 
Ngọt nhưng bổ ích
 
Ruột màu vàng cam của trái hồng nói lên rằng nó có chứa nhiều beta-caroten, giúp chúng ta củng cố thị lực và ngăn ngừa lão hóa. Vitamine này đặc biệt quan trọng đối với người hút thuốc lá, bởi từ lâu, chúng ta đã biết rằng beta-caroten ngăn ngừa sự hình thành ung thư phổi.
Ngoài beta-caroten, trong quả hồng còn có khá nhiều vitamine C (giúp cơ thể chống đỡ với các loại virus), vitamine PP (chống đỡ sự mệt mỏi, trầm cảm, cũng như cải thiện sức khỏe làn da và tóc), magiê (cần thiết cho tim hoạt động tốt), sắt (giúp da hồng hào và duy trì thành phần đúng của máu), cali (củng cố thành mạch máu) và iốt.
Tuy nhiên, cái quý nhất của quả hồng là đường thực vật rất bổ ích đối với người bị bệnh tim mạch.
 
Ngoài ra hồng còn có tác dụng lợi tiểu nhẹ, bởi vậy những người bị bệnh cao huyết áp được khuyên nên ăn hồng. Chỉ cần 3-4 quả hồng mỗi ngày có thể giúp làm ổn định huyết áp mà không cần dùng thuốc.
 
Hồng còn được sử dụng khi bị các bệnh về dạ dày, đặc biệt khi bị rối loạn đường ruột. Người ta còn sử dụng hồng đắp vào vết thương và vết bỏng để lên sẹo nhanh, vì hồng có tác dụng diệt khuẩn tốt.
Quả hồng ngọt giúp chế ngự cơn đói rất tốt mà vẫn không có nhiều calories, bởi vậy các nhà dinh dưỡng khuyên những người thừa cân nên bổ sung hồng vào khẩu phần ăn của mình.
Hồng rất bổ ích cả dưới dạng tươi và sấy khô. Hồng sấy khô có vị giống với nho khô. Tất cả các loại hồng đều thích hợp để sấy khô, nhưng loại không hột là tốt nhất.
 
Theo Phụ Nữ

Sầu riêng

Tác dụng chữa bệnh của quả sầu riêng

Sầu riêng không chỉ là loại quả có nhiều chất bổ mà còn là vị thuốc chữa ho và bệnh ngoài da hiệu quả.

Ảnh minh họa.
Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g cơm quả sầu riêng có 37,14% nước, 6,38% protit, 2,7% lipit, 16,2% gluxit, nhiều loại chất khoáng và vitamin. Mùi đặc biệt của múi sầu riêng là do hỗn hợp của các este và thioethe tạo thành.
Cũng vì vậy, về mặt dinh dưỡng sầu riêng được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, riêng chỉ có mùi quá mạnh của nó khiến người không quen khó chấp nhận.
Ăn sầu riêng ngon và bổ, tuy nhiên ta không nên ăn quá nhiều (trên 150g cơm quả một ngày) vì sẽ bị "nóng", gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt. Ngoài giá trị ăn uống, quả và nhiều bộ phận của cây sầu riêng còn được dùng làm thuốc.
- Theo kinh nghiệm dân gian, rễ và lá sầu riêng được dùng làm thuốc chữa sốt và viêm gan vàng da: Lấy rễ và lá sầu riêng 10 - 20g thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống hằng ngày, đồng thời kết hợp lấy lá tươi nấu nước tắm cho những người bị vàng da do gan.
- Vỏ thân cây sầu riêng dùng nấu nước tắm chữa bệnh ngoài da và diệt chấy, rận, rệp...
- Hạt sầu riêng chứa 3,1% protit, 0,4% lipit, các chất P, Na, K, Ca, Mg, Fe, các vitamin B1, B2, C... do đó được sử dụng làm thức ăn và thuốc bổ dưỡng dưới dạng luộc, nướng hoặc rang chín, ăn bùi như hạt dẻ, hạt mít. Bột hạt sầu riêng cũng được dùng làm chất phụ gia trong chế biến các loại kẹo, mứt.
- Vỏ quả sầu riêng cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh. Sau khi ăn người ta lấy vỏ rửa sạch, thái lát mỏng, phơi khô để dùng.
Theo Đông y vỏ quả sầu riêng có vị đắng, tính ấm, có tác dụng ích khí, tiêu thực, cầm mồ hôi, làm ấm phổi để chữa ho, thường được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt. Ngày dùng 15 - 20g, thái nhỏ nấu nước uống.
Theo Bee